Kinh Địa Tạng có 13 phẩm, được xem là một bộ “Hiếu Kinh” của Phật Giáo. Bồ Tát Địa Tạng là một vị Bồ Tát thực hành hiếu đạo, và là vị Bồ Tát rất hiếu thảo với cha mẹ. Vì mong muốn mọi người đều học theo tinh thần hiếu đạo của Bồ Tát Địa Tạng nên hôm nay Thầy mở Pháp Hội giảng bộ Kinh Địa Tạng này.Chúng ta tìm hiểu bộ Kinh này dựa trên sáu yếu tố:- Thứ nhất là nguyên do có bộ Kinh này.- Thứ hai là phân loại theo Tạng thừa. “Tạng” là Tam tạng. “Thừa” là Đại thừa và Tiểu thừa, mà cũng là Ngũ thừa: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa và Bồ Tát thừa. Như vậy, yếu tố thứ hai là xét xem kinh này thuộc về tạng nào trong ba tạng và thừa nào trong năm thừa.- Thứ ba là nêu rõ tông chỉ kinh.- Thứ tư là giải thích đề mục kinh.- Thứ năm là dịch giả truyền dịch, nói rõ ai là người lưu truyền, phiên dịch bộ kinh.- Và, thứ sáu là giảng giải kinh văn, giải thích ý nghĩa của kinh văn.Chúng ta học kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, đầu tiên chúng ta tìm hiểu bổn nguyện của Bồ Tát Địa Tạng là gì? Ở đây Thầy cũng phát 10 đại nguyện, Thầy xin trình bày một trong mười đại nguyện của thầy là: “Nếu như có chúng sinh nào đã từng quy y và nghe con giảng dạy, tu hành đúng pháp mà còn đọa lạc, con nguyện sẽ chịu vô lượng khổ đau thay cho người đó ở trong địa ngục.” Đó là bản nguyện khi Thầy giảng kinh. Thầy nguyện lời nói không sai với lời Phật, ý Tổ. Nếu như Thầy nói sai một lời so với lời Phật ý Tổ, Thầy nguyện sẽ chịu vô lượng đau khổ, ở mãi trong địa ngục. Cho nên Thầy mong quý vị ở đây học Phật nghe pháp. Thầy chỉ nói những gì trong Kinh điển, mà Kinh điển đây là những gì bản thân Thầy đã trải qua và có sự chứng nghiệm, chứ Thầy không nói những gì không có sự chứng nghiệm của bản thân. Do vậy, Thầy mong Phật tử chúng ta học tập, nghiên cứu kinh điển một cách nghiêm túc. Nếu các vị không làm như vậy, Thầy không chịu trách nhiệm. Nghĩa là quý vị cần phải chuyên tâm học tập nghiêm túc từng lời, từng chữ, từng câu Thầy nói ra. Và chúng ta cũng đừng nghĩ chỉ học và nghiên cứu thôi là đủ, chúng ta còn phải thực hành nữa. Ngoài việc nghiên cứu ra, chúng ta phải tụng kinh, ngồi thiền để lắng tâm chiêm nghiệm lời Phật dạy trong Kinh.