Phật Đạo nếu muốn phát triển mạnh mẽ thì không thể thiếu sự đóng góp của người cư sĩ Phật tử tại gia. Nếu bảo chim đại bàng là chúa tể của bầu trời cao rộng, bay lượn khắp nơi chốn đó đây, nhưng nếu đại bàng chỉ có một cánh thì cũng chẳng cất thân hình to lớn kia lên cao được, để bay liệng trong bầu trời cao rộng kia. Do vậy chúng ta có thể so sánh rằng: Tăng Ni và Cư Sĩ là hai cánh của một con chim đại bàng. Để cùng thăng hoa trong cuộc sống tâm linh cao cả đó, chúng ta không thể thiếu một trong hai kể trên. Nếu được như vậy thì giáo lý Đạo Phật sẽ ngày càng lan tỏa khắp đó đây.Đã qua 5 lần xuất bản Đặc San Văn Hóa Phật Giáo, lần đầu vào năm 2019 nhân Kỷ Niệm 40 Năm Viên Giác Đức Quốc, do sự đóng góp bài vở của các Văn Thi Hữu và chư Tăng Ni khắp nơi trên thế giới, không đi kèm theo một điều kiện nào cả, do cố Đạo Hữu Nguyên Tánh Nguyễn Hiền Đức, cố Đạo Hữu Nguyên Trí Nguyễn Hòa cùng hai Đạo Hữu Nguyên Đạo Văn Công Tuấn và Đạo Hữu Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến chủ trương. Những Đặc San này đã được chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật Tử khắp nơi tán dương và sự hình thành cũng như tầm ảnh hưởng không nhỏ của Văn Hóa Phật Giáo trong thời đại khoa học và Phật Học phát triển trên diện rộng như ngày hôm nay.Xin thâm tạ và tri ân những tấm thạnh tình mà Quý Ngài và Quý Vị đã đóng góp bài vở cho Đặc San Văn Hóa Phật Giáo trong thời gian qua cũng như sắp tới và trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả bản Đặc San Văn Hóa Phật Giáo lần thứ sáu, năm 2024. Kính nguyện Quý Ngài và Quý Vị được vạn sự an lạc, vạn sự kiết tường như ý.Hòa Thượng Thích Như Điển Chủ nhiệm sáng lập báo Viên GiácCố vấn sáng lập Đặc San Văn Hóa Phật Giáo